SHARE

Đóng thuế là nghĩa vụ của tất cả mọi người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Để hiểu rõ hơn các điều khoản về thuế, cách tính thuế thu nhập cá nhân tại Nhật, người lao động không nên bỏ qua bài viết sau!

Các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân tại Nhật Bản mà người lao động nên biết

Một năm đóng thuế bao nhiêu lần? Mỗi lần đóng thuế cần phải đóng bao nhiêu? Các điều khoản về thuế, cách tính thu thu nhập cá nhân tại Nhật được tính như thế nào mới chính xác? Trong bài viết sau đây sẽ tổng hợp cho tất cả người lao động, du học sinh các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, giúp giải quyết những băn khoăn trong việc học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc một cách đơn giản và dễ dàng.

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Khi làm việc, bạn sẽ phải trả thuế thu nhập cá nhân dựa trên mức lương hàng tháng của mình, và đến một mức độ nào đó theo quy định của nhà nước, bạn sẽ phải nộp thuế. Đối với học sinh, sinh viên du học và thực tập sinh, thuế sẽ được trừ trực tiếp từ mức lương của họ. Sau đó, công ty sẽ thông báo lại cho họ về số tiền thuế được trừ.

Phụ thuộc vào tình trạng cư trú của bạn, nếu bạn là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, việc nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ khác nhau. Nếu bạn chỉ sống tại Nhật Bản trong vòng 1 năm, bạn sẽ được xếp vào đối tượng không cư trú và chỉ cần nộp thuế cho khoản thu nhập mà bạn kiếm được tại Nhật Bản.

Đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản trên 1 năm, họ sẽ được phân vào 2 nhóm: nhóm sống tại Nhật dưới 5 năm và nhóm sống tại Nhật trên 5 năm. Cả 2 nhóm này đều được gọi là cư dân nước ngoài và phải đóng thuế cho tất cả các nguồn thu nhập mà họ kiếm được, bao gồm cả thu nhập được chuyển tới từ nước ngoài đến Nhật Bản.

2. 3 nhóm người phải đóng thuế thu nhập cá nhân tại Nhật Bản

Để thuận tiện cho việc nộp thuế, người sống tại Nhật Bản được chia thành 3 nhóm. Việc phân nhóm này không phụ thuộc vào loại visa của họ.

Không lưu trú

Nếu bạn sống tại Nhật Bản trong thời gian dưới 1 năm, bạn sẽ không được coi là người cư trú và chỉ phải nộp thuế thu nhập từ nguồn tại Nhật Bản, không bao gồm thu nhập từ nước ngoài.

Lưu trú tạm thời

Đối tượng này là những người đã sống tại Nhật Bản trong khoảng từ 1 đến 5 năm và không có ý định ở lại lâu dài. Họ sẽ phải nộp thuế cho tất cả các nguồn thu nhập, trừ các nguồn thu nhập từ nước ngoài không được gửi tới Nhật.

Lưu trú vĩnh viễn

Những người đã sống tại Nhật ít nhất 5 năm hoặc có kế hoạch định cư vĩnh viễn tại Nhật sẽ được coi là người có thường trú và phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho tất cả các khoản thu nhập từ Nhật và nước ngoài.

3. Thuế suất

Đối tượng lưu trú

Dưới đây là bảng thuế suất áp dụng cho tổng thu nhập chịu thuế. Thu nhập bị tính thuế được tính sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế. Tất cả các đối tượng lưu trú tham gia Xuất khẩu lao động Nhật Bản, bao gồm cả lưu trú tạm thời và lưu trú vĩnh viễn, đều phải tuân thủ mức thuế suất này. Nếu có thu nhập dưới 87.500 Yên/tháng hoặc 103 Man/năm, bạn sẽ được miễn nộp thuế thu nhập.

Mức thuế Mức thu nhập
5% Dưới 1.950.000 Yên
10% Từ 1.950.001 đến 3.300.000 Yên
20% Từ 3.300.001 đến 6.950.000 Yên
23% Từ 6.950.001 đến 9.000.000 Yên
33% Từ 9.000.001 đến 18.000.000 Yên
40% Từ 18.000.001 đến 40.000.000 Yên
43% Từ 40.000.001 Yên trở lên

Đối tượng không lưu trú

Thuế thu nhập của những người thuộc nhóm này sẽ được tính dựa trên mức thuế suất chung là 20.42%, áp dụng cho tổng số tiền lương và trợ cấp nhận được từ Nhật. Các khoản miễn trừ không được tính vào.

4. Khấu trừ thu nhập cá nhân

Các khoản khấu trừ là các khoản thu nhập không chịu thuế và được trừ trước khi tính toán thuế thu nhập.

Các trường hợp áp dụng Loại khấu trừ
Nếu xảy ra tình huống mất mát tài sản hoặc đồ dùng trong trường hợp bị trộm cắp, thiên tai hoặc lừa đảo. Khấu trừ thiệt hại do tai nạn
Khi chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm vượt quá một mức giới hạn tiền nhất định. Khấu trừ chi phí ý tế
Nếu đã đóng các loại bảo hiểm xã hội như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sức khỏe quốc dân, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi, bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng và bảo hiểm lương hưu. Khấu trừ bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp có các khoản thanh toán phí bảo hiểm đóng vào các hiệp hội hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ theo Dự án trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ, bảo hiểm lương hưu doanh nghiệp và bảo hiểm hưu trí cá nhân theo Đạo luật trợ cấp hưu bổng, phí bảo hiểm sẽ được trả vào quỹ hiệp hội hỗ trợ cho những người tàn tật. Khấu trừ chi phí bảo hiểm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ
Trong trường hợp có các khoản thanh toán liên quan tới bảo hiểm nhân thọ, chăm sóc y tế và hưu trí cá nhân. Khấu trừ phí bảo hiểm nhân thọ
Nếu bạn phải trả bảo hiểm do thiên tai dài hạn, chẳng hạn như động đất, tai nạn thảm khốc. Khấu trừ bảo hiểm động đất
Nếu bạn đã đóng góp cho chính phủ Nhật Bản, quê hương hoặc các hoạt động chính trị cụ thể. Khấu trừ các khoản đóng góp
Nếu bạn là người góa phu hoặc góa phụ. Khấu trừ cho góa phu góa phụ
Nếu bạn là học sinh, sinh viên hoặc lao động. Miễn trừ cho học sinh, sinh viên lao động
Nếu bạn hoặc vợ/chồng đáp ứng điều kiện được miễn thuế hoặc người phụ thuộc là người khuyết tật. Miễn trừ cho người khuyết tật
Nếu vợ/chồng của bạn đáp ứng được các điều kiện để được miễn trừ. Miễn trừ cho vợ/chồng
Nếu tổng thu nhập của bạn trong cả năm ít hơn 10 triệu yên, nhưng thu nhập cả năm của vợ hoặc chồng của bạn vượt quá 380.000 yên và dưới 760.000 yên. Miễn trừ đặc biệt cho vợ/chồng
Nếu có người lệ thuộc của bạn đủ điều kiện được miễn trừ. Miễn trừ cho người lệ thuộc
Miễn trừ cơ bản là 380.000 Yên/năm. Miễn trừ cơ bản

5. Khi nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Nhật?

Nếu công ty của bạn không khấu trừ thuế thu nhập từ lương thì toàn bộ số tiền thuế trong một năm phải nộp trước ngày 15 tháng 3 của năm tài khoá tiếp theo. Nếu bạn chọn thanh toán thuế qua ngân hàng, thì hạn nộp sẽ là giữa tháng 4. Hai khoản trả trước phải nộp vào giữa tháng 7 và tháng 11 của năm tính thuế và được tính dựa trên thu nhập của năm trước đó.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

6. Công thức tính thuế thu nhập cá nhân

Các bước để tính thuế thu nhập cá nhân tại Nhật như sau:

[Tổng thu nhập trong 1 năm] – [Khoản được giảm trừ từ tổng thu nhập trong 1 năm] = [Thu nhập kiếm được]

[Thu nhập kiếm được] – [Khoản được giảm trừ từ thu nhập kiếm được] = [Thu nhập chịu thuế]

[Thu nhập chịu thuế] x [Thuế suất] = [Thuế thu nhập]

[Thuế thu nhập] – [Khoản được giảm trừ từ thuế thu nhập] = [Thuế thu nhập phải đóng]

7. Những điểm cần lưu ý khi đăng ký người phụ thuộc

Để đăng ký người lệ thuộc, người đó phải đạt độ tuổi trên 16 và thường là vợ hoặc bố mẹ đẻ đối với người Việt Nam.

Để đăng ký người lệ thuộc, người đó phải có mối quan hệ huyết thống với người đăng ký (được ghi trong sổ hộ khẩu của người đăng ký) và có thu nhập dưới 103 Man/năm.

Nếu người lệ thuộc (vợ, bố, mẹ) đã qua 65 tuổi, số tiền miễn giảm không bị tính thuế sẽ là 48 Man.

Cần chuẩn bị bản sao, phiên dịch và công chứng sổ hộ tịch, giấy chứng nhận thu nhập của người lệ thuộc và giấy tờ chứng minh việc chuyển tiền hàng tháng cho người lệ thuộc để đăng ký. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ này, bạn cần nộp chúng tại văn phòng công ty để hoàn tất quá trình đăng ký.

8. Các phương thức thanh toán thuế thu nhập cá nhân tại Nhật

Tại Nhật, thuế thu nhập cá nhân được thu theo hai hình thức là tự khai tự nộp và thuế thu tại nguồn. Trong hình thức tự khai tự nộp, người nộp thuế sẽ tự khai báo số tiền thuế phải nộp. Trong khi đó, hình thức thuế thu tại nguồn sẽ trích trực tiếp từ lương của người lao động và được nộp bởi công ty mà người lao động đang làm việc.

Với hệ thống thuế thu tại nguồn, phần lớn người dân sinh sống và làm việc tại Nhật không cần tự khai tự nộp thuế của mình.

Tự khai nộp thuế thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp:

  • Người đó rời Nhật Bản trước khi thời gian tính thuế trong năm kết thúc.
  • Khi chủ sở hữu hoặc công ty mà người đó đang làm việc ở nước ngoài không giữ lại tiền thuế thu nhập của người lao động.
  • Khi người đó làm cho hơn một công ty, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính toán dựa trên tổng thu nhập từ tất cả các công ty đó.
  • Nếu thu nhập của người đó trong năm vượt quá 20.000.000 Yên.
  • Nếu người đó có thu nhập từ bên ngoài vượt quá 200.000 Yên.

9. Thống kê khai thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân sai

Các cách để chỉnh sửa những sai sót trong bản kê khai thuế hoặc các chi tiết khác như sau:

– Khi số tiền thuế phải nộp được khai báo ít hơn thực tế, người nộp thuế cần điền bản kê khai sửa đổi. Nếu người nộp thuế không tự nguyện khai báo, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra và điều chỉnh số tiền đúng phải nộp.

– Nếu số tiền thuế phải nộp kê khai nhiều hơn số tiền thực tế thì người nộp thuế cần yêu cầu sửa đổi bản kê khai để trở về con số đúng.

– Nếu người nộp thuế quên không hoàn thành bản kê khai đúng thời hạn, họ sẽ bị yêu cầu hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu họ không hoàn thành bất kỳ bản kê khai nào, cơ quan thuế sẽ xác định số tiền thuế thu nhập cá nhân mà người đó phải nộp.

Bài viết trên được Phòng truyền thông Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội tổng hợp và đã liệt kê 9 vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân tại Nhật Bản, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn đang sinh sống và làm việc tại đây. Chúc các bạn thành công!

Nguồn: duhocdieuduongnhatban.net tổng hợp

Facebook Comments Box