Chủ tich Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại về tinh thần tự học, khó có thể liệt kê hết được những ngôn ngữ mà Người có thể sử dụng. Nhân dịp ngày sinh của Người (19/5), chúng ta cùng tìm hiểu một câu chuyện nhỏ về phương pháp và cách học ngoại ngữ của Bác.
- Bí kíp săn học bổng đại học top đầu thế giới của thủ khoa đại học Ngoại Thương
- Giáo dục Nhật Bản tiên tiến và nghiêm khắc
Nhiều người, đặc biệt là các em học sinh thường thắc mắc không hiểu vì sao Bác có thể học được nhiều ngoại ngữ như thế bởi cả cuộc đời Bác, Bác bận trăm công nghìn việc chứ đâu phải chỉ dành thời gian để học tiếng. Nhiều người ca tụng sự phi thường, sự vĩ đại của vị chủ tịch đáng kính của dân tộc hình chữ S. Nhưng theo nhiều nghiên cứu về Bác, việc Người có thể sử dụng được nhiều ngoại ngữ như thế không phải tự nhiên mà có. Bác có những phương pháp học ngoại ngữ rất đáng để bất cứ ai cũng cần phải học tập.
Phương pháp học ngoại ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh:
Tin tức lịch sử ghi nhận, Ngôn ngữ đầu tiên mà chủ tịch Hồ Chí Minh học trên hành trình đi tìm đường cứu nước là tiếng Pháp. Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là trở ngại rất lớn. Chính vì thế Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Ngay khi còn trên chuyến tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin, sang Pháp dưới các tên Văn Ba, mỗi lúc rảnh rổi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối, sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.
Bác học mọi lúc, mọi nơi và không bao giờ quên thực hành chúng. Ban đầu với số từ mới ít ỏi học được, Bác tập ghép một vài từ, biết nhiều hơn Bác ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài.
Thời gian sau, Người tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi, người không chỉ ham học, mà luôn luôn cầu tiến, chỉnh sửa để hoàn thiện bản thân. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.
Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét, Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.
Như vậy phương pháp học ngoại ngữ của Bác là luôn luôn tự học, tự phấn đấu, rèn luyện và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Bác không chỉ sử dụng phương pháp này để học tiếng Pháp mà tất cả các ngôn ngữ khác (ngôn ngữ Anh, Nga, Trung, Ả Rập…) Những câu chuyện như này về Bác không thiếu, nhưng mỗi câu chuyện lại là một nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.
Bác Hồ có thể nói được bao nhiêu ngoại ngữ:
Ghi nhận của ban truyền thông trường đại học Lương Thế Vinh, trích dẫn từ bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liệt kê các ngoại ngữ mà mình thông thạo gồm tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Tuy nhiên trên thực tế, thông qua các chuyến công tác nước ngoài cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm và làm việc tại Việt Nam, người ta còn chứng kiến Bác sử dụng thông thạo nhiều loại ngôn ngữ khác. Chẳng hạn bác có thể nói được tiếng Xiêm – tiếng của người Thái Lan bây giờ, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số tại Việt Nam…