SHARE

Mọi người thường hay nghĩ chắc đi XKLĐ là sướng lắm, nhưng cuộc sống nơi đất khách quê người chưa bao giờ là dễ dàng cả. Để có được những đồng tiền gửi về cho gia đình, những người đi XKLĐ phải đánh đổi rất nhiều thứ, đó là sức khỏe, thời gian, rất nhiều công sức, tiền bạc và cả tuổi trẻ nữa.

Bức tâm thư đầy chua xót của cô gái xuất khẩu lao động ở Nhật.

Cách đây không lâu, mạng xã hội xôn xao với bài viết của một cô gái trẻ về cuộc sống ở Nhật Bản mà bản thân đã trải qua trong những tháng ngày đi Xuất khẩu lao động. Những dòng chia sẻ của cô không dài nhưng nó chứa đựng hầu như toàn bộ những nỗi cơ cực, vất vả và chua xót mà cô, cũng như biết bao người Việt trẻ tuổi khác đang bôn ba làm việc nơi xứ người, phải nếm trải.

“Nếu ở Việt Nam bạn cố gắng 10 thì sang Nhật bạn phải nỗ lực hàng trăm hàng ngàn lần,” cô gái nói trên mở đầu bài viết của mình như thế. “Nếu ở Việt Nam bạn có thể nói với mẹ rằng ‘Mẹ ơi con mệt rồi!’ thì ở Nhật bạn đừng bao giờ than mệt, thay vì đồng cảm, người ta còn cười thầm bạn. Ở Nhật không một giây phút nào bạn được phép cho bản thân mình nghỉ ngơi và ngừng chiến đấu, bạn phải làm việc thay vì lựa chọn đi chơi. Mà cũng chẳng có ai đi chơi vì ở đây mọi người dù có được nghỉ cũng đều tìm cách làm thêm để kiếm tiền.”

Trong nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn đi xuất khẩu lao động sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Hầu hết đó đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, và họ tin rằng nếu chăm chỉ làm việc nơi xứ người trong vài năm, họ sẽ nhận được một mức lương mà nếu ở Việt Nam họ sẽ phải làm việc cả đời mới tích cóp được. Tuy nhiên Nhật Bản trong thực tế lại hoàn toàn không phải là thiên đường như nhiều người nghĩ.

Làm việc ở xứ người là một nỗi vất vả không ai hiểu thấu.

“Ở Nhật, với một công việc bình thường, nếu chăm chỉ thì mỗi tháng bạn có thể kiếm được 20-30 triệu tiền Việt Nam, nhưng đương nhiên là vất vả, vì cuộc đời này không có bữa cơm nào là miễn phí cả. Chưa kể khoảng cách xa xôi, cuộc sống ở Nhật cũng khá buồn, xa người thân, đối mặt với cơm áo gạo tiền, bạn sẽ phải sống như một cây cỏ dại, phải nỗ lực để không bị xô ngã.”

Nói xuất khẩu lao động nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, người lao động phải có nền tảng sức khỏe vô cùng tốt và không mắc bệnh tật nào thì họ mới được chấp nhận. Số tiền mà mỗi người phải bỏ ra để làm chi phí cho một chuyến đi 3 năm có thể lên đến cả trăm triệu, đó là cả một gia tài với những gia đình khó khăn, và họ buộc lòng phải vay nợ ngân hàng rồi mỗi tháng nai lưng ra làm việc để trả dần.

Phải chọn cuộc sống tự lập giữa nơi đất khách quê người, xa quê hương, xa gia đình và người thân, khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, đó là cả một nỗi lo lớn. Nếu may mắn, họ chỉ phải làm việc trong công xưởng. Nhưng nếu phải làm việc ngoài trời, ở những vùng có thời tiết khắc nghiệt, thì những tháng đầu tiên quả thật là thử thách gian nan. Nhưng một khi đã qua bên đó thì họ không được phép nghĩ đến hai chữ bỏ cuộc, vì gia đình họ ở nhà mỗi tháng đều mong ngóng đồng lương mà họ gửi về để trả nợ.

Nhiều người kể lại, vì làm việc cho người Nhật nên họ phải tuân thủ rất nhiều quy định khắc khe. Mỗi sáng họ phải dậy từ lúc 5 giờ để nấu đồ ăn sáng và chuẩn bị cả bữa trưa mang theo. Sau đó họ đi xe đạp đến ga tàu điện ngầm, rồi lại bắt chuyến tàu đến nơi làm việc. Vì sợ đi làm muộn bị phạt nên họ chọn cách đi làm sớm, đến nơi nếu có dư dả tí thời gian họ sẽ tranh thủ ngủ tiếp, đợi đến giờ làm việc.

Phần lớn người Việt Nam lao động ở Nhật đều được giao cho những công việc chân tay khá vất vả. Nhiều người làm phu khuân vác và tháo dỡ ở công trường, thời gian đầu bị vẹo xương, lệch vai, kiệt sức phải đi truyền nước là chuyện bình thường. Nhưng ai cũng muốn tận dụng thời gian nghỉ của mình để làm thêm, để kiếm thêm tiền, dù mệt mỏi nhưng ai cũng cố gắng.

Bàn tay chai sạn và lấm bẩn của một người lao động Việt Nam ở Nhật.

Không những đánh đổi thời gian, sức khỏe, nhiều người còn mất đi cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc của mình. Họ phải trải qua những ngày tháng vất vả và cay đắng, phải làm việc như một cái máy, đôi khi bị kỳ thị và chèn ép, chấp nhận bị mắng chửi. Lúc đau ốm bệnh tật cũng đều một thân một mình.

“Về Việt Nam thì đơn giản, cuộc sống cũng đơn giản hơn. Nhưng được sống ở Nhật, tất cả những người Việt Nam sang đây đi học hay đi làm đều không muốn về nước sớm. Vì cuộc sống ở đây chỉ cần chăm chỉ là có thể kiếm ra tiền. Vì vậy, nếu ngay từ đầu bạn đã lựa chọn sang Nhật, hãy đặt ra cho mình câu hỏi ‘Đi Nhật để làm gì?’ Hãy nghĩ đến khoảnh khắc đầu tiên bạn mơ đến nước Nhật và xem lại mục đích của bạn đến đây để làm gì?

Làm việc ở công trường là một nơi nguy hiểm nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

Nếu đã xác định đi Nhật để kiếm tiền thì hãy tìm cách để có thể kiếm gấp 2, gấp 3 và thành thạo giao tiếp tiếng Nhật là cách ngắn nhất để bạn thực hiện điều đó! Đừng có kêu ca khi mà ngay từ đầu các bạn đi mà đã không muốn học, lúc nào cũng chỉ muốn bay nhanh. Bay nhanh để làm gì khi không biết tiếng, sang Nhật họ nói không hiểu họ lại chửi cho. Đi Nhật không phải để chơi, để trả nợ mà là để thành công khi trở về và tìm ra lối đi cho tương lai mình!”

Quả thật, có nhiều người lao động Việt Nam sang Nhật, sau 3 năm chăm chỉ làm việc, họ đã có thể tích cóp được khoảng vài trăm triệu đồng. Đó là một con số đầy mơ ước đối với nhiều người Việt Nam, nhưng có lẽ điều đó chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị chu đáo, biết lo cho tương lai mình.

Nguồn: Du học Điều dưỡng Nhật Bản

Facebook Comments Box