Nhiều người trẻ Việt Nam lựa chọn con đường đi du học Nhật Bản và nghĩ rằng cuộc sống nơi đây màu hồng. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống của du học sinh Việt lại không hề đơn giản như họ nghĩ.
- Tất tần tật những thứ mà bạn cần chuẩn bị khi đi XKLĐ ở Nhật Bản?
- Nhật Bản và những điều nổi tiếng khắp năm châu
- Sự thật về cuộc sống của Điều dưỡng viên tại Nhật Bản
Nhỡ tàu, đi bộ về nhà lúc 2 giờ sáng
Nhớ lại những ngày đầu Du học Nhật Bản, mới đặt chân đến đất nước hoa anh đào, nhiều du học sinh ngậm ngùi thú nhận mình đã có những giây phút hối hận đến nghẹn ngào. “Lúc mới sang chưa có việc làm, ngồi một mình trong căn phòng bốn bức tường không biết ngày mai sẽ bắt đầu như thế nào mà nước mắt chực trào. Mình chỉ muốn bỏ lại tất cả để về ngay lúc đấy, nhưng thực ra trong người không còn bao nhiêu tiền, đến phương tiện liên lạc cũng không có. Nghĩ đến bố mẹ và khoản vay nợ ở quê mà mình bất lực òa khóc. Khi đó mình mới 18 tuổi.” – Minh Thư (22 tuổi, thành phố Kobe, Nhật Bản) xúc động kể.
Cay đắng cảnh “đi làm chui” của du học sinh tại Nhật Bản
Thư kể, thời gian đầu bắt nhịp cuộc sống ở “Xứ sở hoa anh đào” là một thử thách lớn. Mấy tháng đầu, vì chưa quen đường, tiếng Nhật còn hạn chế, Thư thường bị lạc đường và trễ chuyến tàu cuối. “Nhiều đêm phải cuốc bộ một mình, về đến nhà cũng là lúc đồng hồ điểm 2 giờ sáng. Đó là những lúc mình cảm thấy cô đơn, trống trải, chưa kể đến những lúc đau ốm”, Thư kể lại.
Áp lực mưu sinh nơi xứ người
Không phải du học sinh nào cũng có điều kiện du học tự túc, đa phần phải vay một khoản tiền từ 200 – 300 triệu đồng mới có đủ chi phí đi Nhật. Trên những thông tin quảng cáo nhan nhản về Du học Nhật Bản, Du học Điều dưỡng Nhật Bản,…. luôn gây ấn tượng với các bạn trẻ bằng số lương siêu khủng: 40-60 triệu mỗi tháng. Những công ty môi giới sẽ luôn chắc chắn rằng nếu chăm chỉ, trong vòng một năm đã có thể trả hết nợ. Nhưng vừa học, vừa làm thời gian đâu để du học sinh kiếm được nhiều tiền như vậy? Câu trả lời luôn nằm sau ánh mắt bần thần, mệt mỏi của các du học sinh.
Chính phủ Nhật chỉ cho phép du học sinh làm việc 28 tiếng/tuần. Tuy nhiên, nhiều du học sinh tại Nhật cho biết, khoản tiền kiếm được sau 28 tiếng lao động vất vả ấy cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật. Để kiếm thêm tiền đóng học phí hoặc gửi về nhà, các bạn du học sinh thường trốn đi làm thêm nhiều công việc khác.
7h tối, tan làm tại một quán cơm, Khánh Mỹ vội vã chạy đến xưởng làm việc đêm. Có những ngày liên tục Mỹ chỉ chợp mắt lúc lên tàu di chuyển đến nơi làm việc. Khi mệt quá, Mỹ trốn sau những thùng hàng carton trong xưởng ngủ thiếp đi. 7h sáng ngày hôm sau, Mỹ trở về nhà thay vội áo quần và tiếp tục đến lớp. “Đó là những ngày tháng mà mình không thể nào quên. Dường như tinh thần luôn mệt mỏi và những cơn buồn ngủ cứ bủa vây chả khác gì một người đang say. Những lúc như thế, mình lại nhớ về những lời động viên của mẹ mà cố gắng.” – Khánh Mỹ xúc động kể.
Tranh thủ chợp mắt lúc lên tàu di chuyển đến nơi làm việc.
Sinh ra trong gia đình đông con, Khánh Mỹ chọn con đường du học sinh Nhật mang theo mong ước sẽ kiếm được khoản tiền kha khá để đỡ đần cha mẹ, hỗ trợ nuôi em ăn học. Vì thế, bản thân Mỹ bị rất nhiều áp lực. “Mọi người có thể thấy những hình ảnh đẹp và vui vẻ mà du học sinh hay đăng lên mạng xã hội, nhưng ít ai biết được người đó thậm chí đã hai ba hôm liên tục không ngủ vì đi làm đêm.”
Sau nhiều nỗ lực, tháng 3/2020, Khánh Mỹ nhận bằng tốt nghiệp, háo hức đặt vé máy bay trở về quê nhà sau nhiều năm xa xứ, tuy nhiên, chuyến bay bị hủy do dịch COVID-19. “Nghe thông tin có chuyến bay cuối, mình vội chạy đến trường nhận bằng để thu xếp về nước. Người lúc đấy toàn mùi cá, lên nhận bằng từ tay thầy mà mình muốn vỡ òa. Nhưng rồi chuyến bay lại bị hoãn vô thời hạn. Giờ mình không còn đi học nữa, nhưng vẫn phải đi làm trang trải cuộc sống, chờ ngày về nước”, Khánh Mỹ ngậm ngùi.
Áp lực kiếm tiền trang trải cho chi phí học tập, sinh hoạt, gửi tiền về cho gia đình khiến nhiều du học sinh đi làm quá thời gian cho phép (nhiều hơn 28 tiếng/tuần).
Nếu hình ảnh Du học sinh Nhật Bản, tu nghiệp sinh Nhật Bản hiện lên trong mắt mọi người khá lung linh, thì nó chỉ đúng với những du học sinh được hưởng học bổng toàn phần, hoặc những du học sinh tự túc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, yên tâm chăm chú vào việc học, nếu có làm thêm cũng là những công việc nhẹ nhàng, chủ yếu thêm tiền tiêu vặt.
Còn đối với những du học sinh vừa học vừa phải tự lo nuôi sống bản thân thì không khác gì một “kiếp khổ như trâu”. Những du học sinh tự túc này gần như bị tách biệt hoàn toàn ra khỏi cuộc sống thường nhật, bị triệt tiêu toàn bộ những hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thậm chí là cả chuyện tình cảm nam nữ.
Nguồn: Kênh 14