SHARE

Bài viết sau đây sẽ tổng hợp một số loại đồ thiết yếu cần chuẩn bị khi du học Nhật giúp bạn có thể an tâm về chuyến bay cũng như sinh sống được tại Nhật nhé.

Có 99% các bạn du học sinh khi chuẩn bị hành lý du học Nhật Bản đều cố gắng mang nhiều đồ nhất có thể. Và có đến 100% bạn sang Nhật thì phát hiện ra các vật dụng đó thực tế mình chẳng sử dụng đến dù là 1 lần.

Vậy thì, những đồ dùng nào thật sự cần thiết khi sang Nhật Bản? Hãy theo dõi nội dung được ban biên tập Cao đẳng Dược TPHCM biên soạn qua bài viết dưới đây để các bạn vừa chuẩn bị đủ hành lý vừa an tâm về hành trang của mình khi sang Nhật nhé!

Hộ chiếu, vé máy bay

1. Một số loại giấy tờ cần thiết

Hành trang đi du học Nhật Bản hai loại giấy tờ bắt buộc phải có đầu tiên là Hộ chiếu và vé máy bay. Các bạn nên để hai loại giấy tờ này vào một túi nhỏ mang theo người, tránh để vào hành lý ký gửi, bởi trong quá trình làm thủ tục bạn sẽ sử dụng loại giấy tờ này rất nhiều lần đấy!

Nhiều bạn vẫn nhầm tưởng cần phải mang các loại giấy tờ như Học bạ, chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Nhưng đây là các giấy tờ không cần và không nên mang theo, nhỡ thất lạc. Trong trường hợp cần sử dụng tại Nhật, các cơ quan tổ chức cũng chỉ yêu cầu có bản sao là được. Bạn hoàn toàn có thể nhờ gia đình scan và gửi bản sao sang được.

2. Ảnh thẻ cá nhân

Chụp ảnh lấy ngay bên Nhật khoảng 700 yên, không rẻ nên bạn nên mang khá nhiều ảnh theo, đủ dùng trong vài năm, gồm có: Ảnh 3×4 + Ảnh 4×6 (bạn cũng nên lưu file ảnh thẻ vào USB hay trên Internet để có gì in ảnh tại Nhật nếu cần và quan trọng là in ảnh cũng rẻ hơn chụp lại).

3. Quần áo + Tất

Hầu hết các bạn du học sinh sang du học Nhật thường nhập học vào tháng 4 (mùa xuân) hay tháng 10 (mùa thu), tiết trời sẽ lành lạnh cho nên bạn nên mang một cái áo ấm (loại có thể mặc trong mùa đông luôn) và đừng mang nhiều áo rét quá vì sang Nhật mua cũng rất rẻ (chỉ tầm 1000 đến 2000 yên), áo Nhật lại rất ấm, nhẹ hơn hẳn Việt Nam – chống lạnh tốt hơn vì thiết kế chuyên dụng cho thời tiết ở Nhật. Mang nhiều áo rét quá thì sẽ rất tốn chỗ, lại không có lợi về kinh tế.

Nên mang một cái áo ấm (loại có thể mặc trong mùa đông luôn) 

Ngược lại, bạn nên mang đủ nhiều áo thun, đồ lót, quần áo mỏng mặc ở nhà, v.v… và một vài áo khoác mỏng mặc mùa xuân hoặc mùa thu. Nên chọn những cái nào bạn ưng ý nhất thôi vì sang Nhật quần áo rất nhiều và cũng không hề mắc so với Việt Nam. Tất nhiên là quần áo mỏng thì nên mang nhiều, vừa thay thường xuyên được lại có thể giữ ấm mà vẫn không tốn chỗ vali.

Ngoài ra, cũng mang một số quần áo lót đủ dùng và nhiều tất đi vì bên Nhật khá lạnh, không thì vào hàng 100 yên mua cũng được.

4. Đồ dùng vệ sinh cá nhân

Bạn nên mang đồ dùng cá nhân đủ dùng vì tuy bên Nhật có thể mua được nhưng không phải lúc nào bạn cũng đi siêu thị được ngay và cũng chưa biết chỗ nào rẻ. Với lại đồ trong siêu thị có nhãn tiếng Nhật nên cũng có khả năng mua nhầm nữa.

Kem đánh răng, dầu gội, dầu xả: Nên mang tuýp hay chai loại nhỏ nhất cho nhẹ và đỡ tốn chỗ. Bàn chải đánh răng, dụng cụ vệ sinh tai, kéo tỉa lông mũi (Mang theo mỗi thứ 1 cái).

Các đồ vệ sinh thân thể mà bạn thường dùng: Khăn tắm hay khăn mặt nên mang theo lượng đủ dùng 1 ~ 2 tuần, thời gian làm quen cuộc sống mới (nhất là các bạn nữ).

5. Tiền mặt

Nếu được nên mang tầm 100,000 ~ 200,000 yên (1000 ~ 2000 USD), nhớ đổi ra tiền yên, không mang tiền VNĐ hay USD (rất khó đổi USD vì ở Nhật chỉ xài JPY). Nếu bạn nghĩ tới ngày nhập cảnh về Việt Nam thì có thể mang tầm 500 nghìn VNĐ để mua thẻ điện thoại chẳng hạn, hay nộp những loại phí mà không tiện nói tên.

Thuốc và vitamin là một trong những đồ khá cần thiết để mang đi khi du học.

6. Thuốc, đồ dùng sức khỏe

++ Nên mang theo thuốc cảm cúm (ho, nhức đầu, sổ mũi, sốt), đường ruột (đầy hơi, táo bón) và thuốc phòng bệnh ngoài da vì ở tập thể mà (hắc lào, lang ben, nấm) với số lượng vừa phải (đủ dùng trong 2 – 3 tháng là được), đừng mang quá nhiều vì chắc bạn chẳng bao giờ dùng tới, với lại bạn đi du học thì thường khá trẻ và khỏe, không khí và đồ ăn bên Nhật lại rất sạch nên cũng khó có gì xảy ra.

++ Ngoài ra, bạn nên mang Vitamin C + thực phẩm chức năng: Do rau quả bên Nhật thường ít hơn và bạn chưa quen, ngoài ra giá rau quả thường đắt hơn thịt nên bạn mang vitamin C cho chắc, có gì còn bổ sung. Các thực phẩm chức năng khác tùy loại bạn thường dùng.

7. Một số loại đồ ăn tiện lợi

Nếu bạn muốn tiết kiệm hoặc hơi kén chọn trong đồ ăn, bạn nên mang theo nhiều mì ăn liền. Đừng mang nhiều quá vì bên Nhật cái gì cũng có, và giá rẻ hơn ở Việt Nam (trứng, đậu phụ, thịt gà công nghiệp, v.v…). Mì ăn liền và chà bông để thời gian đầu tiết kiệm tiền và chưa hợp khẩu vị đồ ăn Nhật mà thôi. Đằng nào thì bạn cũng không thể ăn mì liên tục được.

8. Máy tính xách tay, điện thoại

Nếu máy tính bạn vẫn xài được tốt thì nên mang theo, vì điện máy tính là 100 – 240V nên có thể sạc điện tại Nhật (ở Nhật dùng điện 100V).

9. Từ điển, vở, bút viết

Bạn có thể chuẩn bị một số cuốn sách “gối đầu giường” mà mình yêu thích để lúc rãnh rỗi đọc thêm như từ điển Nhật – Việt, Việt Nhật, Việt – Anh lẫn Anh Việt. Bởi kim từ điển bên Nhật thường là Nhật – Anh, Nhật – Nhật

Chuẩn bị vở, bút viết, bút chì mỗi thứ 1.

Thật ra thì cũng chẳng cần mang làm gì, tuy nhiên bạn nên: mang ít nhất 1 bút bi (để điền form ở sân bay nếu cần) và 1 quyển sổ tay (để ghi chú ở sân bay). Những thứ này hàng 100 yên có nhiều, giá chẳng bao nhiêu.

10. Con dấu

Ở Nhật người ta dùng con dấu cá nhân. Khi làm tài khoản ngân hàng bắt buộc bạn phải làm con dấu. Thường thì các trường Nhật ngữ sẽ đặt làm con dấu giúp bạn, giá khoảng 2000 yên (20USD). Nếu bạn muốn tiết kiệm khoản này bạn có thể tự làm con dấu trước ở Việt Nam (nhớ làm loại nào bền vào nhé, mất con dấu là làm thủ tục ngân hàng báo mất đó).

Nếu bạn tên là gì thì làm con dấu tên đó. Con dấu cá nhân thường rất nhỏ, chỉ tầm 1 ngón tay, đường kính là tầm 1cm thôi nhé. Nếu trường làm thì nên dặn họ làm thêm cả dấu tiếng Việt cho sang trọng.

Người Nhật thì làm con dấu là họ của họ, ví dụ 高橋 (Takahashi). Hàng 100 yên cũng bán con dấu, nhưng là các họ người Nhật, đôi khi có chữ Kanji lẻ nhưng ít.

Trên đây mà một số kinh nghiệm chuẩn bị hành lý để sang Nhật Bản đi du học. Chúc các bạn thật nhiều thành công trong chặng đường đi du học Nhật Bản sắp tới nhé!

Nguồn: duhocdieuduongnhatban.net Tổng hợp

Facebook Comments Box