Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản. Chính vì thế, tình trạng thiếu hút Điều Dưỡng viên nghiêm trọng là điều dễ hiểu. Tìm hiểu để biết thêm về thực trạng này.
- Ngành nghề phù hợp nhất với nữ khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
- Cuộc sống khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản ngành nông nghiệp
- Phá vỡ hợp đồng khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản thực tập sinh bị xử lý như thế nào?
Trong đại dịch Covid-19: BV Nhật Bản vật lộn vì thiếu Điều Dưỡng viên
Đó cũng là ghi nhận của một số cựu sinh viên Cao đẳng Điều Dưỡng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur hiện đang làm việc tại một số bệnh viện ở Nhật.
Nhiều bệnh viện Nhật Bản khan hiếm Điều Dưỡng viên một cách trầm trọng
Sau gần 3 thập kỷ làm điều dưỡng, năm nay cô Hori Narumi đang mong chờ đến ngày nghỉ hưu. Nhưng vi-rút corona bùng phát làm mọi kế hoạch phải dừng lại. Nhật Bản phải vật lộn với tình trạng thiếu điều dưỡng viên, cả từ trước khi có dịch. Tình hình hiện nay đã ở mức khủng hoảng. Vào tháng 3, cô Hori quyết định đảm nhận vai trò cố vấn cho Hiệp hội Điều dưỡng Tokyo. Cô nói rằng trong từng ấy năm làm việc, cô chưa bao giờ trải qua tình huống nào giống như những gì cô đang chứng kiến tại các bệnh viện hiện nay. Cô nói: “Chúng tôi không có đủ thiết bị bảo hộ. Điều dưỡng viên rất sợ mắc bệnh và lây nhiễm cho gia đình mình”.
Cô Hori Narumi thuộc Hiệp hội Điều dưỡng Tokyo nói rằng điều dưỡng viên sống trong nỗi lo sợ thường trực về lây nhiễm.
Cô Hori nói rằng nỗi sợ hãi này xuất phát từ cảm giác bất lực, đặc biệt chỉ có trong khủng hoảng vi-rút corona. Điều dưỡng viên không thể thực hiện hết những gì họ đã được đào tạo để điều trị cho bệnh nhân do đặc tính của vi-rút.
Cô nói: “Một trong những điều đau lòng là không thể chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân giai đoạn cuối và người thân của họ”. Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản cho biết cảm giác sợ hãi và bất lực kết hợp với số giờ làm việc dài hơn bình thường dẫn đến kiệt sức. Hiệp hội cho biết một số điều dưỡng viên đã bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý.
Tìm đến điều dưỡng viên đã nghỉ hưu
Theo Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản, một khu điều trị COVID-19 đòi hỏi số lượng điều dưỡng viên nhiều gấp 4 lần so với thông thường. Tình trạng căng thẳng về nhân lực trở nên trầm trọng hơn do lây nhiễm chéo trong bệnh viện, buộc nhiều nhân viên có đủ trình độ phải ở nhà và tự cách ly.
Bà Fukui Toshiko, chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản, nói về tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng nghiêm trọng tại cuộc họp báo hôm 22/4.
Đầu tháng 4, bà Fukui Toshiko, chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản, khẩn thiết kêu gọi các điều dưỡng viên đã nghỉ hưu trở lại làm việc. Bà nói rằng Nhật Bản đang rất cần mọi người, bất kể trước đây đã đảm nhận việc gì hay đã nghỉ làm bao lâu, và nói rằng có những công việc nguy cơ lây nhiễm thấp, ví dụ như tổng đài viên. Hiệp hội đã gửi email cho 50.000 điều dưỡng viên cũ. Nhưng tính đến thứ Hai, chỉ có 600 người trả lời.
Hiệp hội đã kiến nghị chính phủ chi trả phụ cấp công việc nguy hiểm để có thể thu hút thêm nhiều người trở lại làm việc, nhưng kiến nghị này chưa được trả lời.
Vì sao điều dưỡng viên không quay lại?
Một điều dưỡng viên đồng ý trả lời phỏng vấn của NHK với điều kiện được bảo vệ danh tính. Chúng tôi xin được gọi cô là Yoko. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, cô Yoko làm việc tại các khu cấp cứu. Cô muốn quay lại làm việc vào mùa Xuân năm nay sau 2 năm nghỉ sinh con. Cô cho biết không thể đi làm trở lại vì không tìm được dịch vụ trông trẻ – một vấn đề khác đã có từ lâu ở Nhật Bản.
Cô Yoko, điều dưỡng viên làm việc phần lớn tại các khu cấp cứu, nói rằng cô sẽ hỗ trợ trong khủng hoảng vi-rút corona ngay khi gửi được con.
Cô nói: “Con trai tôi nằm trong danh sách chờ rất dài”. Cô đề xuất rằng nhân viên y tế nên được ưu tiên tiếp cận dịch vụ trông trẻ, đặc biệt là vào thời điểm này. Cô nói: “Tôi nghe nói là các đồng nghiệp cũ của tôi đang vật lộn với công việc, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi cảm thấy thất vọng và rất tiếc vì không thể làm gì”. Các cựu điều dưỡng viên khác nói rằng họ lo lắng về việc đi làm trở lại vì sự kỳ thị của xã hội liên quan đến đại dịch. Một điều dưỡng viên đã nghỉ hưu cũng xin được giấu tên nói rằng cô sợ con mình có thể phải đối mặt với phân biệt đối xử nếu cô quay lại bệnh viện.
Một điều dưỡng viên đã nghỉ hưu cho biết đã quyết định không trở lại làm việc vì kỳ thị liên quan đến chăm sóc bệnh nhân vi-rút corona.
Đổi mới sáng tạo ở nước ngoài
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng tình trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Trong một báo cáo công bố tháng trước, WHO cho biết thế giới cần thêm 5,9 triệu điều dưỡng viên.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã nhận thấy công nghệ có thể giúp khắc phục thiếu hụt nhân lực.
Tại Italy, các bệnh viện triển khai robot điều dưỡng để vào các khu điều trị và thu thập thông tin về bệnh nhân, góp phần tăng độ an toàn công việc cho con người. Chuyên gia cho biết robot có thể giúp giải quyết thiếu nhân lực điều dưỡng và đảm bảo giãn cách xã hội.
Singapore cũng đã sử dụng robot. Nước này sử dụng chó robot, chủ yếu để kiểm tra khu vực công cộng, nhắc nhở mọi người về giãn cách xã hội. Cơ quan chức năng hiện đang thử nghiệm robot này trong mô hình bệnh viện để phát thuốc cho bệnh nhân. Tại Đài Loan, các nhà nghiên cứu sử dụng máy ảnh, cảm biến và trí tuệ nhân tạo để theo dõi bệnh nhân từ xa. Những công nghệ này phát hiện thay đổi nhịp tim, nhịp thở hoặc thân nhiệt của bệnh nhân. Nếu có vấn đề, điều dưỡng viên có thể giao tiếp với bệnh nhân bằng phần mềm nghe nhìn trực tuyến.
Nhưng Nhật Bản, một quốc gia tự hào với kỹ thuật và công nghệ robot, lại chậm chạp trong việc áp dụng chuyên môn đó vào cuộc chiến chống COVID-19. Cô Hori Narumi thuộc Hiệp hội Điều dưỡng Tokyo nói rằng cần phải thay đổi. Cô cũng nói rằng cơ quan y tế phải thức thời hơn trong cách tiếp cận với các điều dưỡng viên đã nghỉ hưu, và đề xuất rằng mạng xã hội (SNS) và tuyển dụng trực tuyến có thể đem lại kết quả tốt hơn. Cô cũng muốn chính phủ bật đèn xanh cho việc triển khai điều dưỡng viên chuyên ứng phó thảm họa. Hiệp hội Điều dưỡng Tokyo đã kiến nghị về việc này, nhưng chính phủ vẫn chưa phản hồi.
Số ca nhiễm mới hàng ngày dường như đang giảm ở Nhật Bản, nhưng cô Hori nói rằng không vì thế mà có thể hết lo. Cô cho rằng sẽ có làn sóng lây nhiễm thứ 2 và thứ 3, và điều thiết yếu là đất nước cần xem lại chiến lược để hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể trụ vững trong khủng hoảng.
Nguồn duhocdieuduongnhatban.net tổng hợp từ Báo https://www3.nhk.or.jp